Đông Triều tổ chức tập huấn nâng cao năng lực dạy học cho giáo viên giảng dạy môn Tiếng Việt, Ngữ văn và Âm nhạc

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoàn - Phó vụ trưởng vụ Trung học, Bộ GD&ĐT và Thạc sĩ Bùi Anh Tú - Chuyên viên Bộ GD&ĐT, trực tiếp tập huấn "Nâng cao năng lực Dạy cách học" cho hơn 200 giáo viên trực tiếp giảng dạy môn Tiếng việt, Ngữ văn, và "Nâng cao năng lực dạy học môn âm nhạc theo chủ đề" cho giáo viên dạy âm nhạc tại các trường Tiểu học, THCS trong toàn thị xã.


Đáp ứng yêu cầu đổi mới trong dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá nhằm phát huy năng lực người học, ngày 14/01/2017, được sự tạo điều kiện của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoàn - Phó vụ trưởng vụ Trung học, Bộ GD&ĐT và Thạc sĩ Bùi Anh Tú - Chuyên viên Bộ GD&ĐT Phòng GD&ĐT tổ chức tập huấn "Nâng cao năng lực Dạy cách học" cho hơn 200 giáo viên giảng dạy môn Tiếng việt, Ngữ văn, và "Nâng cao năng lực dạy học môn âm nhạc theo chủ đề" cho giáo viên giảng dạy âm nhạc tại các trường Tiểu học, THCS trong toàn thị xã.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoàn - Phó vụ trưởng vụ Trung học, Bộ GD&ĐT tập huấn cho giáo viên giảng dạy môn Tiếng Việt và Ngữ văn của các trường trên địa bàn thị xã.

Tại lớp tập huấn, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoàn đã nhấn mạnh vai trò của việc dạy học Ngữ văn, Tiếng Việt trong nhà trường đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc "Dạy cách học" cho học sinh là rèn luyện bộ óc, rèn luyện phương pháp tư duy, phương pháp nghiên cứu, phương pháp tìm tòi, phương pháp vận dụng kiến thức của mình  cho học sinh để đáp ứng yêu cầu đổi mới trong giáo dục.

Từ đặc trưng của môn học, giáo viên cần chú trọng vận dụng những ưu việt của dạy học tích cực để hướng dẫn học sinh tiếp cận nội dung bài học, tạo nguồn hứng khởi sẵn sàng khám phá những điều chưa biết thông qua nhớ lại kiến thức cũ, phát hiện kiến thức mới, vận dụng sáng tạo những điều đó vào thực tiễn cuộc sống. Muốn vậy, mỗi giáo viên cần rèn cho dọc sinh năng lực về phương pháp tư duy: đọc hiểu, suy luận, tìm tòi, phát hiện, phân tích, tổng hợp, đặc biệt hóa, khái quát hóa, tương tự, quy là về quen…tạo điều kiện cho học sinh suy nghĩ nhiều hơn, làm việc nhiều hơn, thảo luận nhiều hơn. Học sinh vừa tự học một cách độc lập lại vừa hợp tác chặt chẽ với nhau trong quá trình giải quyết nhiệm vụ học tập. Dạy cách học là đặt trách nhiệm học tập vào tay mỗi học sinh.

Toàn cảnh lớp tập huấn Nâng cao năng lực dạy học môn học Tiếng Việt, Ngữ văn

Muốn làm tốt việc dạy học sinh cách học tập, mỗi giáo viên cần thực hiện tốt các thao tác: hướng dẫn học sinh nhập môn, nhận diên đặc điểm, cấu trúc chương trình, mục tiêu môn học thông qua sơ đồ tư duy; hướng dẫn học sinh cách học đặc thù của môn học (cách đọc, cách nghe, ghi chép, cách thảo luận, nêu vấn đề, cách nhận xét, đánh giá cho bạn…); hướng dẫn học sinh cách học tập ở nhà dựa trên hệ thống nhiệm vụ đặt ra từ mục tiêu bài học mà giáo viên thiết kế; hướng dẫn học sinh luyện tập, thực hành, vận dụng kiến thức đã học để giải quyết vấn đề thực tiễn, sẵn sàng chia sẻ sản phẩm với các bạn, hướng dẫn tìm tòi, mở rộng kiến thức liên quan ngoài chương trình…; hướng dẫn học sinh cách xây dựng kế hoạch học tập, cách xây dựng và dụng hồ sơ môn học.

Không những thế, giáo viên cần có năng lực hướng dẫn học sinh thao tác tư duy: cách  hoài nghi để nảy sinh các vấn đề cần giải quyết, cách không thỏa mãn với những gì sẵn có, cách tự đặt câu hỏi, phân tích, tổng hợp, so sánh, cắt nghĩa, suy luận, đánh giá, phản biện…Chỉ khi mỗi giáo viên làm tốt những điều đó thì chúng ta mới đánh thức được những tiềm năng của học sinh, giúp hình thành tâm lý tự tin, sẵn sàng tiếp cận và chiếm lĩnh tri thức trong các em.

Ở môn Âm nhạc, Thạc sĩ Bùi Anh Tú lại chia sẻ với giáo viên về công tác tổ chức dạy học theo chủ đề với các bước:

 1. Xác định vấn đề cần giải quyết trong bài học căn cứ vào chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình, nội dung của sách giáo khoa của môn học và những yêu cầu, mục tiêu của bài học, xác định các nội dung kiến thức liên quan với nhau được thể hiện ở một số bài/tiết hiện hành (thường trong cùng một chương), từ đó xây dựng thành một vấn đề chung để tạo thành một chủ đề trong môn học.    

2. Lựa chọn nội dung, xây dựng bài học với 5 hoạt động học theo mô hình trường học mới, từ tình huống xuất phát (Khởi động) đã xây dựng, dự kiến các nhiệm vụ học tập cụ thể tiếp theo tương ứng với các hoạt động học của học sinh (Hình thành kiến thức, Luyện tập, Vận dụng), từ đó xác định các nội dung cần thiết để cấu thành bài học.

 3. Xác định chuẩn kiến thức, kĩ năng, năng lực theo chương trình hiện hành và các hoạt động học dự kiến sẽ tổ chức cho học sinh theo phương pháp dạy học tích cực, từ đó xác định các năng lực và phẩm chất có thể hình thành cho học sinh trong bài học sẽ xây dựng.

 4. Mô tả mức độ yêu cầu kiểm tra, đánh giá (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao) của mỗi loại câu hỏi/bài tập có thể sử dụng để kiểm tra, đánh giá năng lực và phẩm chất của học sinh trong dạy học.

 5. Biên soạn các câu hỏi/bài tập theo các mức độ yêu cầu đã mô tả để sử dụng trong quá trình tổ chức các hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá, luyện tập theo bài học đã xây dựng.

6. Thiết kế tiến trình dạy học

            Từ những lý luận khoa học, xác đáng cùng với minh họa cụ thể, sự chia sẻ của các chuyên gia về phương pháp giảng dạy đến từ Bộ GD&ĐT đã giúp cho đội ngũ giáo viên tại Đông Triều có được đường hướng rõ nét trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam.

Tuyết Mai-CV Phòng GD&ĐT


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu

Các thông tin khác:
Tin mới nhất