Quan tâm đến trẻ khuyết tật là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước thể hiện rõ trách nhiệm, tính nhân đạo của toàn xã hội

Giáo dục hòa nhập được Bộ GD&ĐT xác định là hướng đi chủ yếu nhằm đảm bảo sự bình đẳng, công bằng cho trẻ khuyết tật. Song song với phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý về kiến thức, kỹ năng, phương pháp trong giáo dục hòa nhập là một yêu cầu cấp thiết của ngành Giáo dục và Đào tạo.


     Sáng ngày 23/12/2016, tại Trường Tiểu học Vĩnh Khê, Phòng GD&ĐT Đông Triều tổ chức hội nghị chuyên đề về giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật trí tuệ và trẻ rối loạn phổ tự kỷ cấp tiểu học. Tham dự hội nghị có  các đồng chí lãnh đạo chuyên viên phụ trách cấp Tiểu học; các đồng chí  cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp dạy các lớp có học sinh khuyết tật các trường tiểu học trong toàn thị xã.  Đây là hoạt động thiết thực được tổ chức nhằm thực hiện mục tiêu chung về chất lượng giáo dục, đồng thời thể hiện được tinh thần đổi mới trong giáo dục những năm gần đây.

     Hội nghị đã được nghe báo cáo về việc thực hiện dạy học hòa nhập đối với học sinh rối loạn phổ tự kỷ, tham luận về một số biện pháp trong việc giáo dục kĩ năng cho học sinh khuyết tật trí tuệ. Các nội dung của bản báo cáo và tham luận được cụ thể hóa với hai tiết dạy minh họa của cô giáo Nguyễn Thị Thúy, Trường Tiểu học Bình Khê I với tiết Toán lớp 1 "Phép cộng trong phạm vi 8" và cô giáo Hoàng Thị The, Trường Tiểu học Vĩnh Khê với tiết LTVC lớp 3 "Từ ngữ về các dân tộc. Luyện tập về so sánh"  thực hiện. Các tiết dạy đã thể hiện rõ sự đầu tư nghiên cứu bài học, các nội dung điều chỉnh để phù hợp với đối tượng trong thực tế dạy học. Sau phần dạy thực nghiệm, Hội nghị cũng nhận được rất nhiều các ý kiến đóng góp của các thành viên cùng đưa ra để trao đổi, thảo luận  trên cơ sở phân tích và tổng hợp các ý kiến thảo luận, đề xuất những kiến nghị cụ thể để thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật. Từ đó đã thống nhất được phương pháp dạy học hòa nhập cho trẻ khuyết tật trí tuệ và trẻ rối loạn phổ tự kỷ.

     Cô giáo Hoàng Thị The (Trường Tiểu học Vĩnh Khê) với tiết LTVC lớp 3 "Từ ngữ về các dân tộc. Luyện tập về so sánh"  (Trong lớp có học sinh khuyết tật trí tuệ)

Sau khi đánh giá việc triển khai các nội dung: công tác huy động trẻ khuyết tật ra lớp; việc lập hồ sơ quản lý học sinh khuyết tật học hòa nhập; công tác tư vấn, hỗ trợ việc xác định mức độ khuyết tật của học sinh khuyết tật trong nhà trường trên địa bàn thị xã. Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục rút kinh nghiệm trong công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên; triển khai phương pháp dạy học, xây dựng kế hoạch giáo dục, chuẩn bị tài liệu, phương tiện hỗ trợ… trong việc triển khai về giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật cấp tiểu học đạt hiệu quả hơn.

Liên Hương-CV Phòng GD&ĐT


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu

Các thông tin khác:
Tin mới nhất