Bãi Đá Chồng

Dưới chân núi Bảo Đài (ngọn núi còn có tên gọi khác là núi Vây Rồng) thuộc xã Bình Khê (huyện Đông Triều) có ngọn núi khác khá kỳ lạ, bởi trên núi chẳng có một loại cây cối gì lớn ngoài bãi cỏ với những tảng đá khổng lồ xám xịt lô nhô, chồng lên nhau thẳng đứng như ngọn bút vẽ lên trời xanh. Núi này người dân địa phương gọi là núi Đá Chồng...


     Từ chùa Ngoạ Vân - nơi Đức vua hoá Phật đi xuống núi, qua rừng trúc u tịch đậm chất thiền, tiếp tục đi hơn 2.000m nữa về phía Đông - Nam là gặp núi Đá Chồng. Núi Đá Chồng là một bãi đá với vẻ đẹp hoang sơ, không khí thoáng đãng trong lành. Ở đó không có sự ồn ào, náo nhiệt mà chỉ có mây với gió trời, thảm cỏ lơ thơ và đá là điểm nhấn quan trọng nhất với du khách trên đường hành hương về am Ngoạ Vân. Núi Đá Chồng, chùa Ba Bậc, am Ngoạ Vân… tất cả cùng tạo nên không gian văn hoá tiêu biểu, đặc sắc của quần thể Khu di tích nhà Trần tại quê gốc Đông Triều kéo dài sang Di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử.

 

Bãi Đá Chồng nay là điểm dừng chân của du khách trên đường hành hương

       Đứng trên những tảng đá nặng cả trăm tấn của bãi Đá Chồng, du khách có thể phóng tầm mắt quan sát về được cả 3 hướng Đông, Tây, Nam với tầm nhìn rất rộng. Những ngày trời trong xanh, có thể nhìn tới tận tỉnh Hải Dương và cả một vùng rộng lớn sườn đông núi Yên Tử. Đây là một điểm di tích có liên quan mật thiết với quần thể di tích Ngoạ Vân trong Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều. Tại đây, kết quả thám sát khảo cổ trong thời gian vừa qua đã xác định được những mảnh ngói cánh sen, tảng kê chân cột bằng đá, đồ gốm men thời Lê… Các di tích kiến trúc cổ xuất hiện ở 2 khu vực bao gồm, khu vực thứ nhất được bao bọc bởi các ngọn núi phía Đèo Voi; kiến trúc của khu vực này được bố cục thành một trục gồm nhiều lớp kiến trúc, phân bố từ chân núi lên đỉnh núi với hồ nước, khu vườn tháp, khu trung tâm, khu tịnh thất có 2 mặt bằng kiến trúc hình vuông ở lưng chừng núi và trên đỉnh núi, khu vườn chùa. Khu vực thứ hai là khu đất tương đối bằng phẳng của sườn Tây Nam núi Đá Chồng. Ở đây có 2 mặt bằng kiến trúc cổ và dấu vết lò nung ngói thời Lê. Trong lò nung ngói cổ, các nhà khảo cổ đã tìm được một số mảnh ngói cánh sen thời Lê, các loại ngói này cũng đã được tìm thấy ở khu vực Ngoạ Vân và cả bên khu vực chùa Ba Bậc trên núi ở cách bãi Đá Chồng khoảng 1.200m về phía Đông.

       Những cổ vật đã xuất hiện và các kiến trúc được xác định sớm nhất là các kiến trúc của thời Lê vào thế kỷ XVII-XVIII. Thời điểm đó khi công việc trùng tu và tôn tạo Ngoạ Vân được mở rộng. Các nhà nghiên cứu khảo cổ đã khẳng định đây là địa điểm lớn để sản xuất ra các vật liệu tại chỗ phục vụ cho việc xây dựng tại Ngoạ Vân và các ngôi chùa ở xung quanh khu vực đó. Bởi đây là khu vực duy nhất có đồi đất, không gian rộng rãi và vị trí lại gần nguồn nước để sản xuất gạch, ngói phục vụ cho việc xây dựng...

                                                                                          CTV Xuân Quảng - Báo Quảng Ninh


 

 

 

 



Tin mới nhất