Di tích đền Thái trong hệ thống di tích lăng mộ, đền miếu nhà Trần tại Đông Triều
Đền Thái là một di tích lớn nằm trong hệ thống di tích đền miếu lăng mộ nhà Trần ở Đông Triều. Theo các tài liệu nghiên cứu, Đền Thái vốn là nơi thờ các vị vua đầu triều của Nhà Trần. Thời Nguyễn, di tích được xây dựng lại và gọi là đền Đốc Trại. Căn cứ tài liệu sắc phong còn lưu giữ tại viện nghiên cứu Hán Nôm thì các vị thần được thờ ở đây là tám vị vua nhà Trần. Vì vậy, đền Thái được xem như đền thờ tổ thờ các vị vua nhà Trần.
Am Ngọa Vân
Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh và được phép của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, từ năm 2008 Ban Quản lý các Di tích trọng điểm Quảng Ninh phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật thám sát khảo cổ học di tích đền Thái lần thứ nhất với diện tích thăm dò là 150m2. Kết quả thăm dò đã tìm thấy các dấu vết kiến trúc của một công trình kết nối liên hoàn nhiều hạng mục như hệ thống gia cố móng trụ, bó nền, sân ... cùng các loại hình di vật mang đậm dấu ấn kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc từ thời Trần. Các dấu vết kiến trúc và các loại hình di vật cho thấy dưới thời Trần, đền Thái là một quần thể kiến trúc trải rộng trên toàn phạm vi của đồi Đình với diện tích khoảng 12 héc-ta.
