Thành công từ Hội nghị chuyên đề tích hợp Giáo dục Đạo đức trong nhà trường

Thực hiện nhiệm vụ năm học 2017-2018 về việc triển khai thực hiện kết quả Đề tài khoa học "Nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp nâng cao nhận thức, hành vi của học sinh thông qua giáo dục đạo đức trong các trường THCS, THPT tỉnh Quảng Ninh năm học 2017-2018", ngày 15/9/2017, tại trường THCS Kim Sơn, Phòng GD&ĐT tổ chức Hội nghị chuyên đề "Tích hợp Giáo dục Đạo đức trong nhà trường".


         145 đại biểu là đại diện BGH các nhà trường, các Tổ trưởng, Tổ Phó chuyên môn, các Giáo viên cốt cán các bộ môn đến từ 23 trường THCS trong toàn thị xã.

         Tại Hội nghị, Báo cáo đề dẫn của Phòng GD&ĐT và Báo cáo công tác chỉ đạo của BGH trường THCS Mạo Khê II trong việc tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh thông qua hoạt động giáo dục trong nhà trường đã cho thấy sự chỉ đạo và triển khai rất đúng hướng, rất sát với chỉ đạo của Bộ, Sở, Phòng GD&ĐT trong công tác GD đạo đức học sinh ở mỗi nhà trường. Điều đó càng trở nên thật cần thiết khi thực tế cho thấy giá trị đạo đức đang bị đảo lộn; những quy chuẩn nhân cách đang bị xói mòn; lý tưởng cách mạng trong Thanh Thiếu niên bị coi nhẹ; pháp luật không còn được thượng tôn; kỹ năng ứng xử ôn hòa, tích cực trước mọi tình huống bị giới hạn; một bộ phận lớp trẻ có suy nghĩ và hành động tiêu cực, lệch lạc, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, xa rời lý tưởng cách mạng và truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc.

 

Đồng chí Vũ Thị Hồng Hà-Chuyên viên Phòng GD&ĐT trình bày Báo cáo đề dẫn của chuyên đề  tích hợp Giáo dục Đạo đức trong nhà trường 

 

         Trong nhà trường, giáo dục nhận thức, hành vi và hình thành nhân cách học sinh với 12 giá trị sống: Hòa bình, Tôn trọng, Hợp tác, Trách nhiệm, Trung thực, Giản dị, Khiêm tốn, Khoan dung, Đoàn kết, Yêu thương, Tự do và Hạnh phúc được thông qua con đường dạy học các môn học cụ thể: GDCD, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học,… và con đường giáo dục ngoài giờ lên lớp qua các hoạt động tập thể, trải nghiệm sáng tạo….

         Tại hội nghị, các đại biểu được tham dự 4 tiết dạy minh họa: Tiết 30 (Địa lý lớp 7) - Dân cư, xã hội Châu Phi, Tiết 9 (Ngữ văn lớp 6)- Sơn tinh Thủy tinh; Tiết 6 (Đại số lớp 7) - Lũy thừa của một số hữu tỷ; Hoạt động NGLL- chủ đề "Quê hương em đổi mới".

         Các giờ dạy đã bám sát tinh thần của chuyên đề, các phẩm chất đạo đức, kỹ năng cần có đã được lồng ghép một cách tự nhiên  trong chuỗi hoạt động của bài học. Nhờ sự khéo léo của giáo viên trong việc tổ chức dẫn dắt nên không chỉ ở Ngữ văn, Địa lý mà ngay cả ở môn Toán tưởng chừng như khô khan, cứng nhắc,   bài học đạo đức để làm người tử tế cũng lấp lánh để mỗi học sinh cần soi chiếu. Các bài học dung dị chắc chắn sẽ được thẩm thấu một cách tự nhiên để trở thành những phản ứng thường trực trong mỗi hành vi của các em trong cuộc sống.

        Dĩ nhiên câu chuyện về giáo dục đạo đức cho học sinh trong nhà trường đòi hỏi đội ngũ nhà giáo hết sức bền bỉ nhưng sự đồng thuận bắt tay, sự vào cuộc nghiêm túc và khẩn trương của các nhà trường, các thầy cô giáo ngay từ đầu năm học thế này là tín hiệu thành công trong việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục toàn diện của  ngành GD&ĐT Đông Triều./.

Nguyễn Thị Tuyết Mai-Chuyên viên Phòng GD&ĐT


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu

Các thông tin khác:
Tin mới nhất