Trùng tu, tôn tạo cụm di tích ngoạ vân: Vạn sự khởi đầu nan

(quangninh.online)Vậy là sau 5 tháng thi công tích cực trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đường giao thông khó khăn, địa hình núi cao dốc đứng, hai ngôi tháp cổ tại khu vực Thông Đàn 1 đã được trùng tu khá thành công, mở đầu cho việc phục dựng các di tích trong cụm di tích am - chùa Ngoạ Vân thuộc khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều.


 Hai ngôi tháp cổ là Phụng Phật tháp (tháp thờ Phật) và Viên Mãn Chân Giác thiền sư tháp (tháp mộ của thiền sư Viên Mãn Chân Giác) không phải là công trình được xây dựng đầu tiên ở khu vực Thông Đàn. Theo kết quả nghiên cứu khảo cổ năm 2009 cho thấy, ngay từ thời Trần tại Thông Đàn đã có các công trình kiến trúc bằng gỗ, mái lợp ngói mũi sen để làm nơi thờ tự, các thời sau tiếp tục được tôn tạo và phát triển. Hai tháp cổ nói trên được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 thời Lê Trung Hưng chính là giai đoạn phục hưng mạnh mẽ của Thiền phái Trúc Lâm. Vì vậy, quần thể di tích Ngoạ Vân được tôn tạo, mở rộng, trong đó có việc xây dựng 2 tháp đá này. Tháp Phụng Phật được xây dựng ở cấp nền trên, tháp thứ hai được xây dựng ở cấp nền dưới. Tuy nhiên, số phận hai tháp cổ cũng không tránh khỏi những thăng trầm của lịch sử do tác động của con người. Vào khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, hai tháp cổ đã bị những kẻ đào bới cổ vật xâm hại khiến công trình bị sập đổ, khi các cán bộ khảo cổ tìm thấy thì chỉ còn những kết cấu đá ngổn ngang khắp nơi, một vùng hoang tàn với cỏ gianh, lau sậy ngút đầu người. 3 cây thông cổ nơi đây cũng chỉ còn duy nhất một cây còn xanh tươi, 2 cây còn lại đã chết khô từ bao giờ do sét đánh, người đi rừng đốt...

 

Phụng Phật tháp - 1 trong 2 ngôi tháp cổ đã được phục dựng lại từ nguồn kinh phí xã hội hoá.

Trên cơ sở kết quả khảo cổ học tại đây, Đông Triều đã huy động sự hỗ trợ của Tập đoàn An Viên (Hà Nội) đầu tư trùng tu 2 tháp cổ tại Thông Đàn 1. Kết quả trùng tu có nhiều thuận lợi, đó là các phiến đá ghép tạo thành tháp hầu như còn nguyên vẹn, nếu bị vỡ thành 2, 3 mảnh cũng có thể ghép lại được; chỉ có một vài mảnh bị mục do thời gian, lại nằm ở phần chân tháp, chịu lực cho cả toà tháp cần thay thế; loại đá xây tháp cũng có thể khai thác tại chỗ, dưới một con suối bên cạnh công trình; một số đầu mái tháp bị vỡ cần gắn, chế tác lại; riêng hai ngọn tháp hình búp đa mang đặc trưng riêng kiến trúc thời Lê trung hưng đều cần phục hồi. Ngược lại, khó khăn không đến từ việc phục hồi đảm bảo tính nguyên gốc của hai tháp cổ mà lại do các điều kiện khách quan khác. Đó là con đường vận chuyển vật liệu vào chân công trình từ khu vực hồ Trại Lốc (xã An Sinh) đến Phủ Am Trà toàn là đường rừng, nhỏ, mặt đường gồ ghề đá, nhiều đoạn suối vắt ngang đường, ô tô gầm cao cũng rất khó đi. Thêm nữa, đường từ Phủ Am Trà vào chân dốc Đô Kiệu chạy dọc suối, len qua rừng thì không phương tiện nào đi được, chỉ có thể vận chuyển thủ công bằng sức người. Khó khăn nhất là con dốc đứng dài hàng km lên đến Thông Đàn... Để khắc phục điều này, đơn vị thi công đã mở rộng đường ô tô từ khu Tàn Lọng vào khu Cửa Phủ, mất hàng tháng trời để xây dựng hệ thống đường tời trên núi vận chuyển hơn 70 tấn sắt, thép, xi măng, cát và khai thác tại chỗ hơn 300m3 đá phục vụ cho việc trùng tu, tôn tạo di tích.
 
 
Trồng thông để tạo cảnh quan cho khu vực di tích Thông Đàn.

Sau gần 5 tháng thi công, vừa qua, hai tháp cổ đã được phục dựng lại, khá sát với nguyên gốc của di tích. Cùng với đó, để ngăn ngừa cỏ gianh và thuận lợi cho việc hành hương, tham quan của du khách, An Viên đã đầu tư xây khuôn viên bao quanh hai tháp cổ, lát nền bằng đá, trồng 12 cây thông dọc hai bên khuôn viên, phía ngoài trồng mai và một số loại cây khác để tạo cảnh quan cho di tích... Một điểm đáng nói nữa là, nhân dịp khánh thành trùng tu hai tháp cổ, Đông Triều đã huy động được 9 doanh nghiệp trên địa bàn huyện cấp tốc thi công mở rộng tuyến đường vào khu di tích Ngoạ Vân. Con đường hiện đang được san gạt mở rộng ra đến 15m mặt đường, khi được đầu tư thêm nữa để hoàn thiện sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho việc hành hương của du khách cũng như việc trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị những di tích khác tại đây.

Thông Đàn chỉ là một trong hàng chục điểm di tích trong cụm di tích Ngoạ Vân thuộc quần thể khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều. Vượt qua nhiều khó khăn, địa phương đã huy động xã hội hoá trùng tu thành công hai ngôi tháp cổ tại đây, dù công trình không lớn nhưng có ý nghĩa mở đầu cho hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đối với cụm di tích Ngoạ Vân, nơi Trần Nhân Tông từng tu hành và hoá Phật...

Phan Hằng-quangninh.online
 

 



Các thông tin khác:
Tin mới nhất