Tham luận tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015-2020, của đồng chí Vũ Liên Oanh - Tỉnh Ủy viên - Giám đốc Sở GD&ĐT

"Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý của nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo để thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài,
nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh"


           Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng giáo dục và đào tạo, Người dạy: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người". Thực hiện lời dạy đó, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo, coi "Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu". Quan điểm đó đã được nêu rõ trong các văn kiện của Đảng, được thể chế hóa bằng các chính sách của Nhà nước, được các ngành, các cấp triển khai và thu được nhiều kết quả quan trọng.

 

          Kính thưa toàn thể đại hội!

         Tôi hoàn toàn nhất trí với nội dung Báo cáo chính trị trình Đại hội.

         Từ thực tiễn trong việc triển khai thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh 5 năm qua, tôi thấy cần rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

        Một là, thực sự coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương.

       Để đạt được mục tiêu 70% trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia (tăng 25,0% số trường chuẩn quốc gia so với năm 2010), ngay từ đầu nhiệm kỳ, Nghị quyết đầu tiên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định rõ mục tiêu: đến năm 2012 có 100% trường học mầm non, mẫu giáo đạt chuẩn. Mục tiêu này tiếp tục được khẳng định trong Nghị quyết đầu tiên của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới. Các Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của Hội đồng nhân dân tỉnh đều đặt ra các chỉ tiêu trọng tâm ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo và dành nguồn lực thảo đảng để thực hiện nhiệm vụ.

        Hai là, phải có tư duy đột phá, hành động quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo.

Đồng chí Vũ Liên Oanh - Tỉnh Ủy viên - Giám đốc Sở GD&ĐT Tỉnh Quảng Ninh trình bày tham luận tại đại hội

        Trường Đại học Hạ Long được thành lập là một minh chứng rất rõ cho điều đó. Trong quá trình xây dựng Đề án, Lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành liên quan, tham mưu, báo cáo Chính phủ để giải trình, hoàn thiện Đề án. Sau một năm, với sự quyết tâm chính trị cao của tỉnh, Trường Đại học Hạ Long đã được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định thành lập. Việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực được tỉnh chú trọng thông qua hoạt động liên kết, hợp tác đào tạo với nhiều trường đại học có uy tín trong và ngoài nước.

        Để đảm bảo tiến độ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức các hội nghị chuyên đề, họp giao ban trực tuyến hàng tháng với 14 địa phương. Lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp làm việc để đôn đốc tiến độ, kịp thời chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Năm 2014, tỉnh Quảng Ninh được công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, về đích trước cả nước 01 năm.

Các đồng chí đại biểu nữ tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV,nhiệm kỳ 2015 - 2020

          Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh, tỉnh đã cử hàng trăm giáo viên đi bồi dưỡng ở Malaysia,  Singapore đồng thời mời giáo viên nước ngoài về bồi dưỡng cho hàng nghìn giáo viên tại tỉnh. Đối với giáo dục mũi nhọn, tỉnh Quảng Ninh cùng GS Ngô Bảo Châu chủ động phối hợp với Viện nghiên cứu cao cấp về Toán để thành lập "Vườn ươm tài năng"  tại tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bồi dưỡng học sinh giỏi, giáo viên chuyên sâu. Năm 2015, Quảng Ninh có 55 học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia (tăng 08 giải; cơ cấu, chất lượng giải Nhất, Nhì đều tăng so với năm 2010); trong các hội thi, cuộc thi cấp quốc gia khác, học sinh của Quảng Ninh đã đạt giải đặc biệt cuộc thi Olympic tài năng tiếng Anh toàn quốc năm 2011 và năm 2014; giành vòng nguyệt quế cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm 2012; ngôi vị quán quân Đồrêmí  2014; đạt giải đặc biệt cuộc thi em yêu lịch sử Việt Nam năm 2015…

         Thực tế cho thấy, ở địa phương nào có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thì ở đó các việc lớn, việc khó, việc mới của giáo dục đều thu được những kết quả tốt như công tác xây dựng đội ngũ, bồi dưỡng học sinh giỏi của Hạ Long, Đông Triều, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái, Đầm Hà, Hoành Bồ; công tác xây dựng xã hội học tập ở Đông Triều, Tiên Yên, Quảng Yên; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục ở Đông Triều, Hạ Long; công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia ở Uông Bí, Đông Triều, Hải Hà, Cô Tô; công tác phổ cập giáo dục mầm non ở Ba Chẽ, Cô Tô, Uông Bí; việc sắp xếp hợp lý các trường, điểm trường tiểu học, mầm non ở Bình Liêu, Ba Chẽ, Vân Đồn và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ở Tiên Yên theo Chỉ thị số 25 của Tỉnh ủy; công tác giáo dục dân tộc ở Đầm Hà, Bình Liêu, Hải Hà; việc duy trì, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục ở Móng Cái, Hoành Bồ,Vân Đồn; việc ban hành các chính sách hỗ trợ giáo viên, học sinh ở Cẩm Phả, Cô Tô; công tác giáo dục hòa nhập ở Quảng Yên; công tác xã hội hóa ở Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái.

         Ba là, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp của các lực lượng, các cơ quan tổ chức và toàn dân để thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục, khắc phục bất cập; đồng thời coi trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đưa các chủ trương, chính sách về giáo dục và đào tạo vào cuộc sống, gắn với hoạt động thực tiễn.

        Nhằm chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 09 ngày 20/12/2011. Chỉ đạo của tỉnh đã được triển khai tới từng chi bộ, quán triệt trong các tổ dân, khu phố, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân nhằm tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và đã đạt được kết quả tích cực.

         Các chủ trương, chính sách, nội dung đổi mới giáo dục đào tạo được các cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình tuyên truyền rộng rãi đã nâng cao nhận thức, định hướng dư luận ủng hộ cho sự phát triển giáo dục đào tạo, đặc biệt đối với các vấn đề mới như việc đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư số 30; việc tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng; công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp…

          Bốn là, chủ động, tích cực, kiên trì trong công tác tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục đào tạo và đổi mới, phát huy hiệu quả của công tác thi đua, khen thưởng

         Sau gần 3 năm xây dựng, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện, Quy hoạch phát triển giáo dục vào đào tạo được phê duyệt và được đánh giá là có chất lượng, khả thi, phù hợp với các quy hoạch chiến lược của Tỉnh, bám sát chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong nhiệm kỳ đã tham mưu cho Tỉnh ban hành 09 chính sách riêng hỗ trợ phát triển giáo dục đào tạo; phê duyệt một số Đề án quan trọng về giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật, đẩy mạnh phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến trong dạy và học. Quảng Ninh được đánh giá là tỉnh có nhiều nội dung đổi mới, đột phá trong công tác phát triển giáo dục vào đào tạo.

          Với sự nỗ lực, kiên trì, quyết tâm phấn đấu sau nhiều năm, giáo dục và đào tạo của tỉnh đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, đặc biệt là danh hiệu tập thể Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (trường THPT Cẩm Phả), danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (Thầy giáo Lưu Xuân Giới –Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Đông Triều). Các năm trong nhiệm kỳ, Sở GD&ĐT đều được Bộ GD&ĐT tặng Cờ đơn vị xuất sắc, riêng năm học 2014-2015, đạt tổng điểm các lĩnh vực thi đua cao nhất trong số 63 tỉnh, thành.

Những kết quả mà giáo dục và đào tạo đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua là minh chứng rõ nhất về sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, Đảng ủy khối các Cơ quan tỉnh, sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và cả hệ thống chính trị, những kết quả ấy đã in đậm dấu ấn, sự nỗ lực, trăn trở, tâm huyết của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ban, ngành, các địa phương đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo, góp phần đưa  tỉnh Quảng Ninh thực hiện thắng lợi một trong ba đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11.

Kính thưa toàn thể đại hội!

Giáo dục đào tạo là một quá trình, chúng tôi luôn nhận thức sâu sắc rằng, những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, những bài học kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp giáo dục và đào tạo là sự tích lũy, tiếp nối, kế thừa những kết quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong các nhiệm kỳ trước. Đó cũng là kết quả của sự hỗ trợ, ủng hộ cho giáo dục của cộng đồng các doanh nghiệp, sự quan tâm của các bậc cha mẹ học sinh, sự đồng thuận của nhân dân và xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, giáo dục và đào tạo của tỉnh còn tồn tại một số hạn chế, đó là: (1) Một bộ phận cán bộ, giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, chưa nhận thức đầy đủ về đổi mới giáo dục; (2) Chất lượng giáo dục mũi nhọn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và sự quan tâm của tỉnh; (3) Tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục, việc chấn chỉnh dạy thêm, học thêm ở vùng đô thị; công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh chưa được như mong muốn.

 

Kính thưa toàn thể đại hội!

Để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được nhận diện, tạo tiền đề tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

1. Ngay trong đầu nhiệm kỳ mới 2015- 2020, đề nghị Tỉnh ủy tiếp tục có các Nghị quyết, Chỉ thị chuyên đề về giáo dục đối với một số nội dung cần tập trung chỉ đạo, đã được xác định trong báo cáo chính trị trình Đại hội, đó là: (1) Đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở nhằm điều chỉnh phù hợp cơ cấu nguồn nhân lực, phát huy năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với ngành than, các khu công nghiệp, khu kinh tế; (2) Nâng cao chất lượng cán bộ quản lý và nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo.

2. Tiếp tục nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách: (1) Hỗ trợ giáo dục ở vùng khó khăn, giáo dục ngoài công lập để giảm sự chênh lệch về các điều kiện học tập giữa các vùng miền, các loại hình trường, lớp; (2) Xây dựng trường Đại học Hạ Long, Trường trung học phổ thông Chuyên Hạ Long trở thành Trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh, sớm trở thành cơ sở giáo dục có uy tín của cả nước.

3. Tiếp tục chỉ đạo ngành giáo dục và phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện các mục tiêu của: Chương trình hành động số 26 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết số 19 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, thực hiện tinh giản bộ máy biên chế; Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo; Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

4. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn. Chủ động ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trong các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có các mục tiêu, chỉ tiêu về giáo dục, về đào tạo nguồn nhân lực và được ưu tiên triển khai thực hiện trước.

5. Thực hiện có hiệu quả vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, giám sát và phản biện của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể trong việc tham gia xây dựng các chính sách về giáo dục, phối hợp trong công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội, nhất là việc giải quyết các vấn đề bất cập trong giáo dục. Huy động sự vào cuộc tích cực của các lực lượng Quân đội, Công an, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội khuyến học, Hội cựu giáo chức… trong công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức bảo vệ tổ quốc, giáo dục đạo đức, pháp luật, kỹ năng sống, huy động trẻ đến trường, xóa mù chữ và chống tái mù chữ…

 

Kính thưa toàn thể đại hội!

Trên đây là tham luận của Sở Giáo dục và Đào tạo về kết quả và những bài học kinh nghiệm triển khai thực hiện sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý nhà nước trong 5 năm qua đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh và các giải pháp cơ bản để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp vào năm 2020.

 

Kính chúc Đoàn chủ tịch, các vị khách mời, các vị đại biểu dự Đại hội dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc!

Chúc đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ 14 thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn Đại hội./.


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu

Các thông tin khác:
Tin mới nhất