(Bản tin NTM số 3/2015- NTM Quảng Ninh)Tiêu chí giáo dục: Nền tảng vững chắc cho sự phát triển nông thôn mới huyện Đông Triều

Xác định giáo dục là một trong những tiêu chí then chốt trong thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua, huyện Đông Triều đã tập trung đồng bộ nhiều giải pháp để có bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục. Nhờ đó, ngành giáo dục huyện Đông Triều đã có đổi thay lớn, góp phần quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.


Đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục

Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM có 2 tiêu chí thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đó là tiêu chí số 5 về trường học và tiêu chí số14 về giáo dục. Để đạt được các tiêu chí trên, huyện Đông Triều đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực và hiệu quả. Một trong những giải pháp đó là thành lập Ban chỉ đạo chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 về giáo dục và đạo tạo; chỉ đạo các trường lập đề án, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Sau 4 năm thực hiện chương trình, huyện đã thực hiện xây mới được 29 trường và cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp các phòng học, phòng bộ môn, các phòng làm việc, phòng chức năng và cải tạo khuôn viên cảnh quan nhà trường; đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học nâng cao chất lượng dạy và học. 100% các trường học từ mầm non đến THPT được kiên cố hóa và cao tầng hóa. Toàn huyện có 73/87 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt 84%, phấn đấu năm 2015 xây dựng đạt chuẩn thêm 5 trường. Cùng với đó, huyện đã hoàn thành đưa vào sử dụng 50 "phòng học thông minh" - Đây là mô hình nhằm tối ưu thiết bị kỹ thuật số với nội dung đa phương tiện, khuyến khích giao tiếp hai chiều giữa giáo viên và học sinh trong suốt quá trình học tập, nâng cao hiệu quả giảng dạy, học tập và quản lý của thầy và trò. Ngoài ra, huyện đã chỉ đạo thành lập và phát huy hiệu quả của Trung tâm thông tin - thư viện điện tử ngành Giáo dục và Đào tạo huyện; 21/21 xã, thị trấn thành lập, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng. Nhờ đó, cơ sở vật chất phát triển giáo dục ở huyện Đông Triều từng bước hoàn thiện, tạo điều kiện tốt con em học tập. Bên cạnh việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở giáo dục, chất lượng giáo dục cũng là một trong những tiêu chí bắt buộc nên được huyện quan tâm thực hiện một cách thấu đáo. Qua rà soát, năm 2014, toàn huyện duy trì 100% xã giữ vững phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tại 19 xã của huyện, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) là 2.319 học sinh, đạt 100%, tốt nghiệp THCS là 2.047 học sinh, đạt tỷ lệ 100%; tốt nghiệp THPT đạt 99,25%. Tổng số đối tượng trong độ tuổi 15-18 tuổi tốt nghiệp THCS đạt 97,62%. Tỷ lệ đối tượng 18-21 tuổi có bằng tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT và trung cấp chuyên nghiệp đạt 89,72%. Những kết quả trên đã khẳng định rõ nét chất lượng giáo dục huyện Đông Triều ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu kế hoạch đặt ra.

Đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu xã hội

Hiện nay, Đông Triều là một trong những trung tâm đào tạo nhân lực của tỉnh và khu vực miền Bắc. Trên địa bàn huyện có Trường đại học Công nghiệp Quảng Ninh, hàng năm đón nhận khoảng hơn 2.000 sinh viên với hệ thống giảng đường, phòng thí nghiệm và giáo cụ, trang thiết bị hiện đại. Nơi đây tập trung đào tạo nguồn nhân lực từ trình độ công nhân, trung cấp kỹ thuật, cao đẳng, đại học và các trình độ cao với các chuyên ngành như: Công nghệ khai thác khoáng sản rắn, điện tử, trắc địa mỏ và công trình, cơ khí, công nghệ thông tin, kỹ thuật môi trường, kinh tế... phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có Trung tâm giáo dục thườngxuyên với các lớp đào tạo nghề với nhiều hình thức đào tạo phong phú, đa dạng và Trung tâm dạy nghề tại xã Kim Sơn.Theo thống kê của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đông Triều, tổng số lao động toàn huyện là 72.547 người, trong đó lao động khu vực nội thị 38.092 người, ngoại thị 34.455 người. Trong khu vực nội thị, lao động nông, lâm, ngư nghiệp có 8.528 người (chiếm 22,4%); lao động phi nông nghiệp 29.564 người (chiếm 77,6%). Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên 98,5%. Trong 4 năm, huyện mở các lớp đào tạo được trên 10.000 lao động nông thôn. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 65% (tăng 8% so mục tiêu Nghị quyết HĐND huyện). Việc dạy nghề cho lao động nông thôn góp phần đáp ứng đươc tiêu chí tỷ lệ lao động qua đào tạo trong 19 tiêu chí xây dựng NTM. Tính đến thời điểm hiện tại, số học viên đã áp dụng kiến thức vào sản xuất kinh doanh là 7.710 người, đạt tỷ lệ 72,4%. Thông qua đào tạo nghề, người lao động đã tiếp cận kiến thức mới về lĩnh vực được đào tạo, biết cách làm ăn, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo việc làm để kiếm sống, có cơ hội được nhận vào làm việc tại các cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp tại địa phương. Qua đó, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình, ổn định cuộc sống, góp phần tích cực trong việc thay đổi tư duy lao động sản xuất của người nông dân, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững trong khu vực nông thôn... Nhờ vậy. nhiều năm nay huyện Đông Triều giữ vững không có hộ đói; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,63% năm 2010 xuống còn 0,74% năm 2014. Đông Triều trở thành một trong ít địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp trong tỉnh và cả nước; nông nghiệp, nông thôn phát triển theo quy hoạch; kinh tế và tổ chức sản xuất ở khu vực nông thôn được đổi mới, cải thiện. Có thể khẳng định, giáo dục - đào tạo là một trong những chủ trương đúng đắn trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đông Triều. Đây cũng là tiêu chí góp phần quan trọng để huyện ĐôngTriềutrởthành huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh đạt tiêu chí huyện NTM. Để tiếp tục làm tốt công tác này, trong thời gian tới, huyện Đông Triều sẽ tập trung huy động nguồn lực cho sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo; thực hiện tuyên truyền về giáo dục trong chương trình xây dựng NTM; lồng ghép các chương trình hỗ trợ lao động nông thôn phát triển sản xuất với chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng NTM trên địa bàn huyện./.

                                                                                                                    ĐẶNG DUNG

 

 

 

 

 

 

 


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu

Các thông tin khác:
Tin mới nhất