TH Vĩnh Khê: tập huấn PPDH "Bàn tay nặn bột" và "Tích hợp GD TNMT-Biển đảo" .


          Thực hiện nhiệm vụ năm học 2012 - 2013 và sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Triều trong việc đổi mới PPDH, sáng ngày 07 tháng 3 năm 2013, Trường Tiểu học Vĩnh Khê tổ chức buổi tập huấn phương pháp dạy học "Bàn tay nặn bột" và dạy học tích hợp giáo dục tài nguyên môi trường biển, hải  đảo.

Đ/c Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - PHT nhà trường - Tập huấn cho giáo viên về phương pháp dạy học mới.

          Buổi tập huấn đã diễn ra sôi nổi với sự tham gia của toàn thể các đồng chí cán bộ giáo viên nhà trường dưới sự hướng dẫn phần phương pháp chung của đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – Phó Hiệu trưởng nhà trường. “Bàn tay nặn bột” là PPDH tiên tiến, tích cực trong việc hình thành kiến thức và phát triển nhân cách cho trẻ và đã được vận dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới. Để đáp ứng nhu cầu đổi mới của giáo dục Việt Nam, việc vận dụng phương pháp đã trở thành tất yếu. Qua phần hướng dẫn chung, mỗi đồng chí CBGV của nhà trường đã nắm được các nội dung cơ bản: các đặc trưng, các nguyên tắc và các bước tiến hành của phương pháp.

Đ/c Bùi Hải Yến dạy bài " Quả" theo phương pháp Bàn tay nặn bột.

           Buổi tập huấn đã thực sự sôi nổi và đạt hiệu quả cao khi các học viên được dự giờ một tiết học thực nghiệm ngay sau đó. Cô giáo Bùi Hải Yến đã thể hiện một cách rất thành công việc sử dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” trong một số hoạt động của bài Tự nhiên và xã hội: Quả (TN&XH lớp 3). Các bước tiến hành khi thực hiện và hiệu quả của phương pháp đã được thấy rõ. Các em sôi nổi trong giờ học, tự tin và chủ động trong các hoạt động phát hiện và nắm bắt kiến thức. Sau khi nắm bắt chung, các đồng chí giáo viên đã tích cực trao đổi để tìm các bài thuộc các phân môn có thể vận dụng phương pháp một cách khả quan, sớm đưa vào áp dụng, nhân rộng trong các tổ khối.

 

Các nhóm đang làm thực nghiệm theo phương án đã đưa ra.

          Cũng buổi chiều cùng ngày, một nội dung sinh hoạt chuyên môn khác cũng được triển khai một cách sôi nổi. Đó là dạy học tích hợp giáo dục tài nguyên môi trường biển, hải  đảo vào một số môn học như: Tiếng Việt, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tự nhiên và xã hội, Đạo đức và các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Tại buổi tập huấn các đồng chí giáo viên đã nắm được một số quan điểm cơ bản về biển, hải đảo, quần đảo, tài nguyên biển, hải đảo Việt Nam; một số nội dung cấp thiết như vấn đề môi trường biển, hải đảo Việt Nam; chủ trương của Đảng, Nhà nước ta đối với vấn đề chủ quyền, hải đảo Việt Nam. Ngoài ra, các đồng chí giáo viên còn tham gia thảo luận, tìm ra các địa chỉ, nội dung và mức độ tích hợp trong các môn học phù hợp với đối tượng học sinh. Cụ thể hơn, cách thể hiện trên giáo án, cách khai thác nội dung trên trong một số bài học thế nào cho hiệu quả cũng được trao đổi rất sôi nổi. Nội dung trên sẽ được triển khai ngay trong tuần học tới trên phạm vi toàn trường.

           Với sự tham gia, vào cuộc và cố gắng tích cực của toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường, chắc chắn việc triển khai và thực hiện các nội dung sẽ được tiến hành nghiêm túc và đạt hiệu quả tốt nhất, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ của nhà trường đã đặt ra.

                                                                CTV: Trần Uyên

 



Tin mới nhất